1800 9400

Free calling charges

Tổng quan Chuyển Đổi Số doanh nghiệp tại Becamex IDC và các đơn vị thành viên
12/30/2020 9:41:57 AM

Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu và đang làm thay đổi nhanh chóng các ngành công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Trong đó, “Chuyển đổi số (CĐS) là một trong những bước đi quan trọng và có tính quyết định đến việc hiện thực hoá thành công cuộc CMCN lần thứ 4 của các doanh nghiệp.

Đại dịch Covid-19 diễn ra với nhiều hậu quả khó lường, đưa chúng ta trải nghiệm ở một thế giới hoàn toàn khác biệt. Trong khi nhiều công ty buộc phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự thì một số doanh nghiệp khác phải đối mặt và chấp nhận làm việc với môi trường ảo, toàn bộ mô hình hoạt động của công ty cũng được thay đổi hoàn toàn. Và theo các nghiên cứu báo cáo, ứng dụng kỹ thuật số của doanh nghiệp cũng được tăng lên đáng kể.

Trước tình hình hình kinh tế khó khăn do hậu quả của dịch Covid-19, Becamex IDC và các đơn vị thành viên đã có những bước đi thích hợp để ứng phó. Trong đó, CĐS được Lãnh Đạo tập đoàn ưu tiên hàng đầu.

Để làm rõ hơn về các hoạt động CĐS tại tập đoàn, phóng viên đã có buổi phỏng vấn với ông Phạm Tuấn Anh - Giám Đốc CNTT của Becamex IDC.

PV: Thưa ông, chiến lược CĐS tại Becamex IDC và các ĐVTV đã được thực hiện như thế nào?

Dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng ở tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, xét ở một góc độ tích cực, chính dịch COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình CĐS ở Becamex IDC và các ĐVTV như: Áp dụng nhanh chóng các chính sách tối ưu hóa hệ thống quản lý và làm việc, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại từ gặp gỡ trực tiếp sang họp online.

PV: Thành quả của việc xúc tiến nhanh CĐS cho đến nay?

CĐS giúp cho Becamex IDC và các ĐVTV vẫn hoạt động bình thường trong thời gian cách ly xã hội. Đến năm 2020, Becamex đã số hóa hầu hết các hoạt động quản trị và kinh doanh truyền thống, giảm thời gian xử lý công việc trung bình từ 600% – 700%. Giảm chi phí hoạt động cho một số lĩnh vực từ 50% - 70%. Minh bạch quá trình xử lý công việc, nâng cao quản lý, dữ liệu được lưu trữ tập trung phục vụ quá trình hoạt động kinh doanh và ứng dụng các công nghệ mới. Sẵn sàng sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử với đối tác bên ngoài. Bước đầu xây dựng được văn hóa chuyển đổi số, nhân sự chuyên môn được được chủ động đưa ra ý kiến về việc thực hiện số hóa công việc trong quá trình hoạt động của Tổng công ty.

PV: Thách thức của CĐS với Becamex IDC và các ĐVTV ?

Cũng như các doanh nghiệp khác, trong quá trình triển khai chiến lược chuyển đổi số, Becamex IDC và các ĐVTV cũng gặp phải các thách thức nhất định như: Rủi ro về an ninh mạng, chưa đồng bộ trong việc vận hành giữa tập đoàn và đối tác ngoài, sự phát triển của công nghệ cũng phải đòi hỏi những chuyên viên phân tích dữ liệu để có khả năng chuyển đổi dữ liệu thành tài sản vốn, lao động thiếu kỹ năng tư duy hệ thống và chưa linh hoạt trong xử lý công việc trên nền tảng số dẫn đến quá trình triển khai và tiếp cận sẽ bị trì hoãn tốn chi phí trong việc thay đổi.

Ông Phạm Tuấn Anh - CIO của Becamex IDC chia sẻ về tình hình CĐS tại Becamex và các ĐVTV

PV: Bài học kinh nghiệm để vượt qua những thách thức nêu trên ?

Trọng tâm của chiến lược CĐS không nằm ở công nghệ, mà nằm ở yếu tố chuyển đổi về con người, về tư duy, phương pháp và quy trình thực hiện. Đầu tiên, đó là sự thấu hiểu của các cấp Lãnh Đạo tập đoàn về sự quan trọng và bức thiết của ứng dụng công nghệ trong sự phát triển doanh nghiệp, từ đó có sự quyết tâm trong việc chỉ đạo thực hiện CĐS. Tiếp đến, CBCNV trong tập đoàn phải đủ trình độ và kỹ năng để sử dụng các công nghệ được áp dụng, từ đó mới thực hiện được CĐS trong doanh nghiệp.

PV: Vai trò của Chính Quyền trong CĐS doanh nghiệp?

Khác với một số tỉnh, thành trong cả nước, Bình Dương có hướng tiếp cận riêng cho đề án TP Thông Minh. Tỉnh Bình Dương hiện nay đang học tập có chọn lọc mô hình được xem là chìa khóa thành công của thành phố công nghiệp Eindhoven của Hà Lan - "Mô hình Ba Nhà", tạo cơ chế hợp tác khăng khít và linh động giữa Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường trong xây dựng nhằm mục đích để Bình Dương chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất kỹ thuật cao, tiên tiến.

Trong mối quan hệ hợp tác này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung; doanh nghiệp, các viện và trường học nhận trách nhiệm tương ứng của mình trên mỗi lĩnh vực.

Trước đó, để phục vụ Đề án Thành phố thông minh, Bình Dương đã tập trung nguồn lực để phát triển, như xây dựng Trung tâm Dữ liệu eDatacenter VNTT đạt chuẩn quốc tế nhằm tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong cung cách phục vụ của chính quyền. Đồng thời, tỉnh còn ban hành chương trình hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai Đề án, xác định và phân công cụ thể từng chương trình hành động cần thiết trong các lĩnh vực, trong đó, con người là yếu tố trọng tâm của đề án này.

PV: CĐS của Becamex trong tương lai ?

Becamex IDC hiện là đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Trong xây dựng thành phố thông minh, Becamex IDC cũng đã triển khai hợp tác với các tập đoàn, viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới.

Về vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố thông minh, các đơn vị thành viên của Becamex IDC là VNTT và Trường Đại học quốc tế Miền Đông (EIU) đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Trong đó, EIU sẽ thực hiện nghiên cứu, phát triển, cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của VNTT và tiếp nhận các sinh viên, giảng viên có nhu cầu tham gia thực hành, thực tập, nghiên cứu thực tế tại các cơ sở của VNTT.

Michel Bùi