1800 9400

Free calling charges

VNTT | Tết Trung Thu - Tết của tình thân 07/09/2022
9/15/2022 9:43:49 AM

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em múa ca trong ánh trăng rằm

Đèn ông sao với đèn cá chép

Đèn thiên nga với đèn bướm bướm

Em rước đèn này đến cung trăng

Đèn xanh lơ với đèn tím tím

Đèn xanh lam với đèn trắng trắng

Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu…

Mỗi khi bài hát ngân lên, chúng ta dường như được trải nghiệm 1 cảm giác rất vui tươi và háo hức. Háo hức vì 1 mùa trung thu nữa lại về, các bạn nhỏ lại có thêm 1 cơ hội để vui chơi, nô đùa, mỗi năm cứ đến dịp này thì mỗi bạn nhỏ lại có cho mình thêm 1 kí ức đẹp về tuổi thơ. Và không chỉ có các bạn nhỏ mới cảm thấy nô nức, đây cũng là dịp để người lớn chúng ta hồi tưởng lại các kí ức đẹp và cũng là 1 dịp hay để gửi gắm những món quà nhỏ, những tình cảm nhỏ đến những người thân của mình.

Chúng ta cùng tìm hiểu 1 chút về Tết Trung Thu nhé. Tết Trung Thu diễn ra vào ngày rằm tháng 8 (theo âm lịch) hàng năm, còn được gọi là Tết Thiếu Nhi hay Tết Trông Trăng, Tết Hoa Đăng. Tết có ở nhiều nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan,… trong đó có Việt Nam. Về nguồn gốc của Tết Trung Thu còn chưa thực rõ ràng. Bà kể cho cháu nghe, mẹ kể cho con nghe mỗi đêm rằm tháng 8 về câu chuyện Chú Cuội cung trăng, hay về Hằng Nga và Hậu Nghệ, về vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng. Nguồn gốc của Tết Trung Thu lại lẫn vào màn sương mờ của sự tích, truyền thuyết, huyền thoại, khiến các em nhỏ càng háo hức trông đợi mỗi dịp tết về. Nhiều nhà khoa học lại cho rằng những hình ảnh đầu tiên của Tết Trung Thu xuất hiện trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Và người ta tin rằng Tết Trung Thu kết tinh từ hai nền văn minh lúa nước Trung Hoa và văn minh đồng bằng châu thổ sông Hồng với hình thức đầu tiên là mừng cho mùa màng bội thu. Nhưng dẫu bắt nguồn từ đâu, và có từ bao giờ thì Tết Trung Thu từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức, trong hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người Việt Nam xưa và nay, trở thành một phong tục đẹp đẽ, đáng tự hào của dân tộc ta.

Không biết bạn có để ý không? Còn tôi thì cứ đến dịp đầu tháng 8, mỗi khi ra đường tôi thấy các nhãn hiệu lớn về bánh đã bắt đầu trưng bày đủ loại bánh thơm ngon, đặc biệt nhất là bánh trung thu, món ăn đặc trưng của đêm rằm tháng 8. Bạn nghĩ sao nếu chúng ta vừa nhâm nhi 1 miếng bánh kết hợp với 1 tách trà, bánh có vị ngọt, trà lại đặc trưng bởi vị chát dịu. Uống một ngụm trà ngon, vị chát sẽ làm dịu đi cái ngọt của bánh. Dư âm để lại cuối cùng là vị thơm ngọt của bánh hòa quyện với ngọt hậu của trà. Trong sự thanh khiết của trà có sự cầu kỳ của bánh trung thu. Tất cả tạo nên sự hòa quyện tinh tế và tròn đầy. Chính sự kết hợp đó khiến trà trở thành thức uống hoàn hảo với bánh trung thu. Đây cũng là lúc mọi thành viên trong gia đình tề tựu đông đủ, cùng nhau ăn bánh, thưởng trà, ngắm trăng. Thói quen ăn bánh trung thu uống trà nóng đã trở thành một nét văn hóa của người dân Việt Nam.

Ngoài những chiếc bánh trung thu mang đậm hương vị truyền thống ra thì những chiếc đèn lồng với đủ hình dáng, đủ sắc màu, đủ chất liệu (tre, giấy, nhựa…), được làm từ thủ công đến những chiếc lồng đèn điện hiện đại, là một món đồ chơi không thể thiếu trong đêm trăng rằm. Đèn lồng không chỉ đơn thuần là món đồ chơi mà nó còn là biểu hiện cho sự ấm no, hạnh phúc của gia đình.

Và thật là thiếu nếu như không kể đến những chiếc đầu Lân cùng những điệu múa Lân mang đậm nét văn hóa truyền thống. Múa Lân đêm Trung thu còn thể hiện cho ước muốn đuổi những điềm xấu mang những điềm lành đến cho mọi nhà.

Để hưởng ứng ngày hội vui tươi và giúp cho các em có 1 sân chơi lành mạnh, hàng năm đến dịp VNTT lại tổ chức 1 đêm hội thật linh đình đón tiếp các em nhỏ. Nào là các trò chơi dân gian, những chiếc lồng đèn xinh xắn, những chiếc bánh ngon ngọt được chuẩn bị thật kĩ càng.

Đêm hội còn xuất hiện các nhân vật như Chị Hằng, Chú Cuội, Thỏ Ngọc để tô điểm cho những câu chuyện cổ tích mà các bé đã nghe, giúp các em có cái nhìn thực tiễn về nét văn hóa của dân tộc.

Bản thân tôi là nhân viên công ty, tôi cảm thấy thật may mắn vì là 1 thành phần nhỏ trong 1 tổ chức, được góp 1 chút ít sức để xây dựng nên 1 đêm hội tuyệt vời, góp 1 chút ít sức để tô vẽ thêm cho tuổi thơ của các bé, đồng thời tự bản thân cũng có thể hồi tưởng lại kí ức đẹp đã đi qua và ghi nhận thêm 1 kí ức tươi đẹp cho hành trình tuổi trẻ. Qua đây tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến BTC của đêm hội đã cho các bạn nhỏ 1 đêm đáng nhớ, chúc các Anh Chị luôn có thật nhiều sức khỏe, để những hoạt động tích cực luôn được diễn ra, không chỉ ở ngày hội trăng rằm, mà hi vọng rằng các ngày hội lớn trong năm chúng ta đều tạo ra được những sân chơi bổ ích như thế này.

Michel Bùi